Trẻ em trong độ tuổi từ 6 tháng đến 2 tuổi rất dễ mắc các bệnh nhiễm trùng như viêm hô hấp trên, viêm mũi họng, viêm amidan, tiêu chảy cấp… hoặc nặng hơn có thể dẫn đến viêm phế quản, viêm phổi…

Những ngày vừa qua thời tiết thay đổi liên tục khiến các bé dễ bị mắc các bệnh tai – mũi – họng, đặc biệt là ho và sổ mũi. Trên các fanpage chia sẻ mẹo nuôi con, diễn đàn webtretho dành cho phụ nữ… chủ đề phòng và chữa bệnh đường hô hấp ở trẻ cũng vì thế mà trở nên rất sôi động. Dưới đây là một số mẹo chữa ho, sổ mũi đơn giản để mẹ tham khảo và tìm cách phù hợp áp dụng cho bé.

Thật ra, ho, sổ mũi chỉ các phản ứng của cơ thể để bảo vệ cơ thể khi có một nguyên nhân nào đó tấn công nên điều trị phải nhằm vào loại bỏ nguyên nhân chứ không chỉ dùng các loại thuốc giảm ho, sổ mũi. Tùy theo nguyên nhân, việc điều trị có thể cần đến kháng sinh, kháng viêm kháng dị ứng… Kháng sinh được chỉ định có tình trạng nhiễm vi khuẩn. Với các nguyên nhân do dị ứng hoặc do siêu vi, nếu tình trạng kéo dài cũng có thể dẫn đến bội nhiễm, nên giai đoạn sau cùng có thể cần đến kháng sinh.

Khi đã có chỉ định dùng kháng sinh, cần lưu ý dùng đủ liều và đủ thời gian quy định (tối thiểu 7 ngày), nếu không sẽ làm vi khuẩn trở nên lờn thuốc., việc điều trị sẽ ngày càng khó khăn hơn. Bên cạnh đó cần lưu ý giữ ấm cho bé, tránh lạnh, làm thông thoáng mũi họng thường xuyên bằng dung dịch Natriclorua 0,9‰, tránh khói bụi, khói thuốc lá…

Sử dụng các bài thuốc dân gian, xoa dầu tràm-khuynh diệp vào huyệt dũng tuyền là các biện pháp đang được nhiều mẹ sử dụng.

Giảm sổ mũi, nghẹt mũi bằng nước muối sinh lý

Từ kinh nghiệm thực tế của mình, chị Mai (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: “Mỗi khi con ốm, ho hắng hay sổ mũi, mình đều tích cực cho con bú nhiều hơn để tăng cường sức đề kháng cơ thể. Ngoài ra, mình cũng vệ sinh mũi cho con bằng nước muối sinh lý để tránh tạo ổ vi khuẩn khiến viêm nhiễm sâu hơn. Những đợt mưa kéo dài hoặc thời tiết thay đổi, mình thường mua để sẵn rất nhiều. Một ngày vệ sinh mũi cho con cho con 3-4 lần. Cách làm như sau: nhỏ vào mũi của bé 2-3 giọt mỗi bên mũi. Sau khi nhỏ nước muối, dùng giấy thấm mềm (khăn giấy mềm) quấn lại như cái sâu kèn, rồi lần lượt đưa vào mũi của bé, làm từng mũi một, khi sâu kèn thấm ướt dịch mũi thì lấy ra và thay bằng con sâu kèn sạch khác, đến lúc khô và thông mũi thì sang mũi bên kia. Với trẻ lớn hơn thì có thể khuyến khích con tự nhỏ nước muối và xì dịch mũi ra ngoài. Với cách làm như thế thường chỉ 2-3 ngày là con giảm sổ mũi, nghẹt mũi.”

Thoa dầu tràm – khuynh diệp giữ ấm lòng bàn chân

Chị Minh Châu (Thái Nguyên) đã đọc được bài viết về cách trị dứt cơn ho bằng huyệt dũng tuyền trên mạng và áp dụng thành công với con gái 20 tháng tuổi của mình. Chị chia sẻ: “Dầu tràm-khuynh diệp làm ấm nhưng không gây nóng, an toàn với trẻ, có tác dụng phòng, trị cảm-ho rất tốt. Mỗi tối trước khi đi ngủ, mình thoa dầu tràm-khuynh diệp vào gan bàn chân cho bé, sau đó day nhẹ huyệt dũng tuyền rồi đi tất mỏng. Chỉ khoảng 3 ngày là bé đỡ ho. Ngoài ra, chị cũng nhỏ vào nước tắm để phòng cảm lạnh cho con.”

Trị ho, giải cảm bằng bài thuốc dân gian

Các bài thuốc dân gian trị cảm-ho đã rất quen thuộc với các mẹ. Những cách này có ưu điểm lành tính, không tác dụng phụ tuy nhiên thời gian phát huy tác dụng thường chậm hơn thuốc tây, mẹ cần kiên trì sử dụng cho bé.

Chị Minh Thư (quận Thủ Đức, tp Hồ Chí Minh) cho biết: “Mình cũng rất đồng tình với việc sử dụng các bài thuốc dân gian để trị cảm-ho cho con vì chúng lành tính và an toàn, dùng được cho cả trẻ sơ sinh và phụ nữ mang thai. Tuy nhiên, công việc của mình tương đối bận rộn, hơn nữa mình cũng lo lắng về chất lượng các loại thảo dược cũng như mật ong mua ngoài chợ nên mình thường chọn giải pháp mua siro ho-cảm do các công ty dược sản xuất. Các loại siro này cũng đi từ các bài thuốc dân gian tuy nhiên, nguyên liệu và quy trình sản xuất đã được nghiên cứu kỹ lưỡng để đảm bảo hiệu quả điều trị, chắc chắn tốt hơn mình tự chế biến. Ngoài ra, siro này thường được được điều vị tốt nên dễ cho trẻ uống. Chỉ lưu ý với các mẹ là nên lựa chọn công ty sản xuất uy tín, sản phẩm có thương hiệu.”

Nick Mẹ Trâu (diễn đàn Webtretho) chia sẻ khi con có dấu hiệu ho có đờm, sổ mũi chị thường cho con uống nước lá húng chanh và quất hấp mật ong. Chị cho biết: “Mình cho bé uống thường xuyên vừa là cách để làm sạch họng vừa tăng sức đề kháng cho bé. Nguyên liệu đơn giản chỉ gồm hơn chục lá húng chanh, 2-3 quả quất xanh. Mình rửa sạch với nước muối rồi xay nhuyễn trước khi đem hấp cách thủy khoản 20 phút với mật ong. Các mẹ cũng có thể dùng đường phèn thay thế mật ong. Thường chỉ 2-3 ngày là bé đỡ dần. Ngoài ra, có một số lưu ý về ăn uống cho bé trong thời gian này: Hạn chế đồ tanh như tôm cua, thịt gà (không cần kiêng hoàn toàn nhưng giảm bớt số lượng). Thức ăn của bé nên xay nhuyễn kể cả cho bé từ 2-3 tuổi để cho bé dễ nuốt dễ tiêu và để phòng gợn cổ khi bé nôn trớ ra đờm. Cho bé uống nhiều nước cam chanh. Bổ sung men tiêu hoá từ sữa chua nếu bé nôn trớ nhiều.”

Nói về những cách tự chữa bệnh tại nhà cho bé, Kim Thư chia sẻ rằng, trước đây, mỗi lần bé bị ốm là cô lại phát “hoảng” và cho bé uống thuốc tây y hoặc đi bác sĩ xin uống kháng sinh liền. Nhưng bây giờ thì đã “vững” hơn rất nhiều. Cùng với việc tham khảo các kinh nghiệm từ bạn bè, Kim Thư còn nghiên cứu thêm nhiều bài viết khoa học liên quan. Nhờ thế, đợt này, Susu bị sổ mũi, ho hắng nhưng cô đã tự chữa khỏi mà không cần dùng viên kháng sinh nào.

Kim Thư chia sẻ nhật ký 3 ngày cùng con trị bệnh như sau:

Ngày 1: Chiều tối, Susu hắt hơi liên tục, có một vài tiếng ho. Đêm hôm đó bé không ngủ sâu, thở hơi khò khè, quấy khóc tới 3 lần. Má biết là con lại bắt đầu lại chu kỳ ốm. Má liền xoa luôn dầu Tràm – Khuynh diệp vào lòng bàn chân, ngực cho Susu. Sáng sớm, Má nhớ hôm trước Nội gửi ít Tắc ra để dự phòng con ho, má chưa dùng và để trong tủ lạnh. Gừng gọt vỏ, thái lát. Xếp tắc, gừng vào tô lớn cùng đường phèn, mật ong, mang đi chưng cách thủy trong 30 phút. Để nguội, rồi cho Susu uống, 4 lần một ngày. Má còn nhớ bà nội dặn Quả Tắc (quất) có tác dụng tiêu đờm, giảm ho. Gừng tươi có tính ấm giúp bé giảm ho nhưng không nóng. Đường phèn, mật ong cũng rất tốt cho ho cảm ở trẻ. Má còn rửa mũi bằng nước muối sinh lý cho Susu. Trộm vía, ngày hôm đó con không ho nặng hơn, chưa bị nôn trớ khi ăn. Hy vọng đợt này con không dùng kháng sinh.

Ngày 2: Buổi sáng tỉnh dậy, má cho bé uống uống ít nước lọc ấm, sau đó uống luôn hỗn hợp tắc chưng nói trên. Khoảng 15 phút sau Susu bắt đầu ho, má để Susu ngả đầu vào vai vỗ phần lưng hai bên phổi, một lúc sau bé ói ra đờm. Mấy lần trước mình cứ cho Susu ăn ngay nên Susu bị ói cả thức ăn lên mũi. Lần này, con chỉ bị ói ra đờm. Cho Susu súc miệng nước muối và bắt đầu ăn sáng. Trộm vía, con ăn ngoan, không ói. Trong ngày, tiếp tục cho uống 3 lần nữa, vào lúc con đói, xa bữa ăn. Ban ngày, Susu vẫn thỉnh thoảng ho, nhưng không nôn trớ khi ăn. Đêm Susu ngủ chưa sâu nhưng đỡ trằn trọc hơn.

Ngày 3: Má lặp lại như ngày thứ 2, vẫn kiên trì rửa mũi, cho Susu uống hỗn hợp Tắc, Gừng chưng đường phèn. Hôm nay thì bé giảm ho hẳn, cả ngày chỉ có 3-4 tiếng ho nhẹ. Má an lòng hơn nhiều.

Ngày 4: Bé không còn ho nữa. Mũi khô hoàn toàn. Chiều bé đã cười nói và bắt chuyện với mọi người. Nghe tiếng con ê a hớn hở mà lòng má mừng vui khôn xiết. Đêm đó, hai má con ngủ yên.

BÌNH LUẬN

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.