Bón phân đúng, đủ và cân đối là điều kiện cần thiết khi thâm canh cây trồng nhằm nâng cao giá trị canh tác…

Đạm, lân, kali là 3 nguyên tố dinh dưỡng cần thiết nhất với mọi cây trồng. Chúng là nguồn phân bón đa lượng giúp cây trồng tăng năng suất, chất lượng cho nông sản.

1. Vai trò của đạm (N)

Cây hấp thụ đạm chủ yếu ở dạng NH4+ và NO3-. Đạm nguyên tố quan trọng trong các chất hữu cơ, rất cần thiết cho sự sinh trưởng phát triển của cây, có mặt trong chất diệp lục, nguyên sinh chất, axit nucleic (AND và ARN), chất điều hòa sinh trưởng. Đạm là yếu tố quyết định sự phát triển của các mô tế bào của cây. Cung cấp đủ đạm, cây sinh trưởng nhanh, phát triển chội, lá cành, hoa quả, tăng cả năng suất và chất lượng sản phẩm nông sản.

Lưu ý khi bón phân đạm

+ Cần bón nhiều ở giai đoạn đầu để cây phát triển, tăng cường quang hợp (phát triển thân lá, đẻ nhánh, phân cành tạo tán) từ đó cho năng suất cao. Lượng đạm bón phụ thuộc vào loại đất, lượng mưa, nhu cầu của từng loại cây… (đất có thành phần cơ giới nhẹ phải bón nhiều lần, lượng mưa lớn thì nên giảm đạm bón, cây vụ trước làm giàu đạm cho đất thì vụ sau bón ít đạm…).
+ Nên bón đạm vào lúc chiều mát, bón sâu vào đất hoặc pha vào nước tưới, tránh nắng nóng dễ bị bay hơi đạm, đối với lúa khi bón giữ mực nước nông 5 – 6 cm.

2. Vai trò của Lân (P):

Cây hấp thu lân chủ yếu dưới dạng khoáng của photphat (H2PO4-) và (HPO42-). Lân có vai trò quan trọng cho quá trình trao đổi năng lượng và tổng hợp chất protein. Lân là thành phần chủ yếu của ADP và ATP có vai trò dự trữ năng lượng cho các quá trình sinh hóa của cây, đặc biệt là quá trình quang hợp, quá trình tổng hợp chất béo và protein.
Lân kích thích bộ rễ phát triển, kích thích sự hình thành nốt sần ở các cây họ đậu.
Lân thúc đẩy ra hoa và tạo quả, làm tăng năng suất và chất lượng cây trồng.
Lân giúp cây tăng khả năng đề kháng với sâu bệnh, chống lại điều kiện bất lợi của thời tiết như rét, hạn, sâu bệnh.
Bón đủ lân, cây không những sinh trưởng tốt, cho năng suất cao mà chất lượng nông sản cũng cao.

Lưu ý khi bón lân:

Phần lớn lân được sản xuất theo 2 cách (dùng axit sunphuric đặc để khử quặng thành lân (lân supe) và lân tự nhiên nung chảy. Trong khi lân supe có tính chua (PH 4-5) thì lân nung chảy lại có tính kiềm (PH = 8 – 8,5). Do đó cần kiếm tra loại đất phân loại đất chua, kiềm, trung tính mà chọn lân nào cho thích hợp. Cụ thể là đất chua nên bón lân nung chảy, đất hơi chua hoặc trung tính nên bón supe lân.
+ Lưu ý: Khi bón lân phải giữ đủ độ ẩm cho đất, không để đất khô. Mặt khác, khi bón nên trộn vào đất để phân càng gần rễ càng tốt…

3. Vai trò của kali (K)

Cây hấp thụ kali dưới dạng K+ (KNO3, K2SO4) , do dung dịch kali dễ dàng thấm qua các tế bào cây nên kali hiệu quả nhanh hơn các nguyên tố khác. Khi hút quá nhiều kali cây sẽ hạn chế hút đạm và một số nguyên tố khác: Ca, Mg và một số vi lượng.
Kali là yếu tố thiết yếu cho quá trình quang hợp, tổng hợp gluxit của cây, đồng thời tăng khả năng sử dụng ánh sáng cho cây trong điều kiện thời tiết ít nắng.
Kali có trong thành phần của 60 loại men thực vật điều tiết các hoạt động sống của cây với tác dụng như một số chất xúc tác.
Kali thúc đẩy quá trình tổng hợp đạm trong cây, làm giảm tác hại của việc bón quá nhiều đạm, phòng chống lốp đổ cho cây hòa thảo, thúc đẩy sự ra hoa.
Kali tăng cường khả năng chống chịu các điều kiện bất lợi cho cây như rét, hạn, úng, sâu bệnh.
Kali làm tăng hàm lượng chất bột, đường nên làm tăng chất lượng hạt và quả.

Lưu ý khi bón phân kali:

Bón kali cho cây trồng cần lưu ý nhu cầu của từng giống cây, ở từng thời kỳ sinh trưởng. Thời phát triển sinh thực vật cần nhiều kali đặc biệt là cây lấy củ, quả. Mặt khác, nông dân cũng kiểm tra loại đất nào giàu kali và ngược lại. Cụ thể là trên đất thịt nhẹ hoặc cát pha cần bón đủ lượng kali bằng hoặc hơn một chút lượng cây trồng lấy đi. Khi bón nên chia ra bón nhiều lần để hạn chế rửa trôi. Không nên bón kali lượng lớn một lúc khi mới bắt đầu gieo trồng. Kali là yếu tố dinh dưỡng mà cây trồng cần có ở tất cả các giai đoạn của quá trình sinh trưởng. Sẽ là sai lầm nếu chỉ bón kali thời kỳ cây ở giai đoạn sinh thực. Phân kali đều dùng làm phân lót, đặc biệt cần phải lót phân kali trên đất vụ trước trồng cây lấy củ. Khi bón kali nên trộn đều vào đất. Đất cày vùi rơm rạ hoặc bón nhiều phân chuồng thì giảm lượng kali. Đất có tỷ lệ sét nhiều hoặc đất để ải cách vụ thì bón kali ít hơn các chân đất khác./.

BÌNH LUẬN

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.