Một vài tài liệu cho thấy trong những năm đầu thế kỷ XX, diện tích hồ tiêu ở Việt Nam (chủ yếu ở Rạch Giá) có xu hướng giảm, từ gần 932 nghìn trụ năm 1910 giảm dần còn 346 nghìn trụ vào năm 1928, sau đó có tăng và đạt gần 544 nghìn trụ vào năm 1937 (Biard et Roule, 1942), với năng suất bình quân gần 1 kg/trụ, cao nhất là 1,33 kg/trụ vào năm 1928. Trong những thập niên 1940-1970 cây hồ tiêu phát triển rộng ra nhiều tỉnh miền Trung và Nam Bộ: Quảng Trị, Quảng Nam, Bình Phước, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương và Đồng Nai, với tổng diện tích khoảng 400ha và sản lượng chỉ dưới 600 tấn/năm (Tappan, 1972; trích dẫn bởi Phạm Văn Biên, 1989).

Tuy nhiên ở Việt Nam, cây hồ tiêu mọc hoang được tìm thấy từ trước thế kỷ XVI, nhưng đến thế kỷ XVII mới được đưa vào trồng (Chevalier, 1925; Phan Hữu Trinh và ctv., 1987). Đến cuối thế kỷ XIX, hồ tiêu được trồng với diện tích tương đối khá ở Phú Quốc, Hòn Chồng và Hà Tiên (Kiên Giang), chủ yếu do người Hoa gốc ở đảo Hải Nam theo Mạc Cửu di cư vào Hà Tiên. Cũng trong khoảng thời gian này và đầu thế kỷ XX, cây hồ tiêu theo chân các chủ đồn điền người Pháp phát triển tới Bình Long, Bà Rịa-Vũng Tàu, Quảng Trị và Quảng Nam (Biard et Roule, 1942).

Sau năm 1975, nhất là từ năm 1983 đến năm 1990, do giá hạt tiêu trên thị trường thế giới và trong nước tăng cao, cây hồ tiêu được chú ý mở rộng diện tích, chủ yếu tại vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên, đạt gần 9.200ha (FAO, 2000). Giá hồ tiêu cũng nằm trong quy luật biến động theo chu kỳ như giá các nông sản khác, giai đoạn 1991-1995 giá hồ tiêu giảm mạnh, diện tích hồ tiêu cũng giảm theo, dao động trong khoảng từ 6.500-8.800ha. Từ năm 1996, các nước sản xuất tiêu chính như Indonesia, Malaysia, Brazil mất mùa hồ tiêu vì khô hạn do ảnh hưởng của El Nino, cộng với cuộc khủng hoảng tài chính ở khu vực Đông Nam Á vào năm 1997, giá hồ tiêu xuất khẩu tăng liên tục từ 2.000 USD/tấn lên 4.000 USD/tấn vào khoảng giữa những năm 1997-1999, có lúc lên đến 6.000 USD/tấn, tạo cơ hội thuận lợi cho Việt Nam phát triển sản xuất hồ tiêu.

Từ năm 1997, diện tích hồ tiêu cả nước tăng liên tục, từ 9.800ha lên 52.500ha (năm 2004), nghĩa là tăng gấp hơn năm lần. Sản xuất hồ tiêu tập trung và tăng nhanh nhất ở vùng Đông Nam Bộ, năm 1997 là 5.893ha, đến năm 2004 đạt 26.900ha (chiếm 51,3% tổng diện tích hồ tiêu cả nước), chỉ riêng tỉnh Bình Phước đã đạt diện tích 13.500ha. Hồ tiêu mới phát triển ở Tây Nguyên sau năm 1975, song đến năm 2004 diện tích trồng hồ tiêu ở vùng này đã vượt 17.980ha, Đăk Lăk vươn lên đứng hàng thứ hai trong số 18 tỉnh có trồng nhiều hồ tiêu với hơn 11.000ha.

Năng suất hồ tiêu hầu như không tăng và có sự sai khác lớn giữa các vùng và tỉnh có trồng hồ tiêu. Năng suất bình quân năm 1997 đạt 2,08 tấn/ha, đến năm 2004 cũng chỉ đạt 2,22 tấn/ha. Năng suất hồ tiêu đạt cao nhất ở Đông Nam Bộ (2,43 tấn/ha), trong khi năng suất thấp nhất là ở Bắc Trung Bộ và Duyên Hải Trung Bộ, chỉ khoảng 1,17-1,32 tấn/ha. Đặc biệt ở hai tỉnh Bình Phước và Bà Rịa-Vũng Tàu, với tổng diện tích thu hoạch gần 16.000ha đạt năng suất bình quân 2,5-2,6 tấn/ha.

Sản lượng hồ tiêu cả nước tăng nhanh chủ yếu do diện tích thu hoạch tăng, từ 13.700 tấn trong năm 1997 tăng lên gần 96.000 tấn trong năm 2004. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam trong giai đoạn 2000-2005 không tăng, dao động trong khoảng 120-130 triệu USD/năm, chủ yếu do giá tiêu giảm mạnh và ở mức thấp kể từ năm 2000.

Các vùng trồng hồ tiêu chính ở Việt Nam

Hồ tiêu được trồng từ Nghệ An trở vào phía Nam, tổng số 18 tỉnh có diện tích trồng hồ tiêu trên 100ha. Hồ tiêu còn được trồng rải rác ở một số tỉnh khác với tổng diện tích khoảng 650ha. Trong số các vùng trồng nhiều hồ tiêu, hai vùng có diện tích hồ tiêu tăng nhanh nhất là Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.

Ở Đông Nam Bộ, chỉ riêng hai tỉnh Bình Phước và Bà Rịa-Vũng Tàu, tổng diện tích hồ tiêu đạt khoảng 21.000ha, ba tỉnh Tây Nguyên có diện tích hồ tiêu lớn là Đăk Lăk, Gia Lai và Đăk Nông, tỉnh có diện tích hồ tiêu lớn ở Bắc Trung Bộ là Quảng Trị và ở Duyên Hải Nam Trung Bộ là Bình Thuận.

  • Vùng hồ tiêu Bình Phước
  • Vùng tiêu Bà Rịa-Vũng Tàu
  • Vùng Tây Nguyên
  • Vùng tiêu Quảng Trị
  • Vùng tiêu Phú Quốc
CHIA SẺ
Bài viết trướcLịch sử xuất xứ của cây Hồ Tiêu
Bài kếTổng quan sinh học về cây Hồ Tiêu
Thích tìm tòi và chia sẻ, yêu Công Nghệ nhưng lại gắn bó với Nghề Nông, thích Du Lich nhưng chưa có đủ tiềm lực nên đành lên mạng tìm hiểu rồi lại share cho người cùng cảnh ngộ.

BÌNH LUẬN

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.