Trong quá trình chăm sóc vườn ươm, chúng ta thường phát hiện phần cổ rễ tiếp giáp với mặt đất của những cây con bị thối đen và bắt đầu teo lại. Đó là dấu hiệu của bệnh lở cổ rễ trên cây cà phê.
Đây là loại bệnh hại khá nghiêm trọng ảnh hưởng đến chất lượng của cây con, nếu không điều trị kịp thời bệnh có thể gây chết cây con hoặc ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của cây cà phê sau này.
Đặc điểm và điều kiện phát sinh của bệnh
Bệnh xuất hiện do sự tấn công của nấm Rhizoctonia solani, Fusarium spp.
Bệnh xuất hiện khi đất vườn ươm quá ẩm thấp, bị ngập úng, đất không thể thông thoáng, bầu đất không có lỗ thoát nước. Thường xuất hiện trong mùa mưa trên cà phê kinh doanh, cây còi cọc, sinh trưởng kém hơn các cây xung quanh, vỏ cổ rễ bong ra, cổ rễ mềm xốp hơn các cây
Dấu hiệu của bệnh xuất hiện khi phần cổ rễ của cây bị khuyết dần vào bên trong, cây bắt đầu chậm sinh trưởng và có dấu hiệu bị vàng lá. Đây chính là biểu hiện của bộ rễ bị ảnh hưởng khiến nước và chất dinh dưỡng không thể được đưa lên ngọn khiến lá bị vàng. Nếu không chữa trị kịp thời cây sẽ chết. Bệnh lở cổ rễ có thể lây lan nấm qua các công đoạn làm cỏ, cuốc xới, nước mưa giúp nấm xâm nhập vào bộ rễ.
Bệnh thường xuất hiện tại phần cổ rễ của những cây cà phê con trong vườn ươm hoặc những cây cà phê từ 1- 3 năm tuổi.
Tùy vào từng độ tuổi mà có dấu hiệu bệnh khác nhau như sau:
Đối với cây cà phê trong vườn ươm khi bị nấm tấn công, phần cổ rễ của cây con xuất hiện vết chấm màu đen, rễ bắt đầu thối đen và teo lại khiến nước và chất dinh dưỡng từ mặt đất không thể được chuyển lên phần lá khiến lá bị héo và chết.
Đối với cây cà phê trong giai đoạn kiến thiết cơ bản.( từ 1- 3 tuổi) bình thường ở cây nặng cổ rễ nhũn, phần rễ bên trong khô, toàn Bộ hệ thống bên trong đen và khô cây trơ cành trụi lá chết đứng cả cây.
Biện pháp phòng trừ
Biện pháp sinh học
- Không nên tưới nước quá nhiều, khiến cây bị ngập úng.
- Không nên che vườn ươm quá kỹ khiến ánh sáng không thể chiếu vào cây con và tạo độ thông thoáng cho vườn ươm. Nên để khoảng 50% ánh sáng ngoài trời vào vườn.
- Nếu phát hiện đất sét, di chặt hoặc không thoát nước thì nên chủ động xới xáo, bóp bầu để tạo độ thông thoáng cho bầu đất.
- Nhổ bỏ ngay những cây bị bệnh ra khỏi vườn
- Đào đốt các cây có triệu chứng bệnh kể cả những cây đai rừng chắn gió xung quanh vùng đó. Xử lý hố : đốt hố + vôi + thuốc trừ nấm + thuốc trừ tuyến trùng. Đối với những vùng chưa bị bệnh ngoài việc áp dụng phân bón một cách cân đối,hợp lý,Cần hết sức chủ động đến các biện pháp cải tạo đất như bón phân hữu cơ các chế phẩm cải tạo đất,đào bồn ép xung quanh,các tàn dư thực vật,phải thường xuyên kiểm tra vườn cây để kịp thời phát hiện bệnh có biện pháp xử lý ngay để tránh lây lan.
- Cần chọn đất trồng có độ phì tốt, mực nước ngầm sâu, đất thoát nước tốt.
- Chọn loại cây con sạch bệnh
- Tránh việc tạo ra các vết thương tại gần gốc cây sẽ ảnh hưởng đến bộ rễ khiến nấm dễ dàng xâm nhập.
Biện pháp hóa học
- Cần quan sát vườn thường xuyên, nếu cây có dấu hiệu của bệnh cần tưới Validacin 3 DD (3%) và Viben 50 BTN (0.5%). Trung bình mỗi gốc cần tưới ít nhất 2 lít dung dịch thuốc cho mỗi loại. Cứ 15 ngày tưới một lần, liên tục trong 2- 3 lần.
- Đối với những cây bị thối cổ rễ nhẹ, cây mới bị long gốc mà vẫn còn xanh lá bạn có thể sử dụng ngay Viben C 50 BTN (0.5%), Bendazol 50WP (0,5%), tưới 2 lít dung dịch/gốc. Tưới từ 2- 3 lần, mỗi lần cách nhau 15 ngày.
Đối với những cây bệnh nặng cần nhổ bỏ và loại bỏ ra khỏi vườn. Bệnh lở cổ rễ ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của cây cà phê con, tuy chưa ảnh hưởng đến năng suất của cây nhưng khiến bà con mất nhiều thời gian nuôi trồng và kiến thiết vườn nên bà con cũng cần lưu ý bệnh hai này trong quá trình trồng cà mới!
Theo Eakmat