Để giúp cây cà phê đạt năng suất cao hơn bà con nên để ý tới cách bón phân và thời điểm bón thích hợp tạo điều kiện cho cây sinh trưởng và phát triển tốt nhất. Đặc biệt là cho năng suất cao nhất.

Để cây có thể hấp thụ tối đa lượng phân bón bà con cần xác định được liều lượng và số lần bón thích hợp để cây cà phê được sinh trưởng và phát triển, bà con cũng cần phải ý đến kỹ thuật bón phân như thế nào  Tùy theo từng giai đoạn sinh trưởng cây cà phê cũng cần có cách bón khác nhau thì khi đó hiệu suất phân bón mới đạt được hiệu quả cao nhất.

Sau đây Góc nông nghiệp chia sẻ cách bón phân cho cà phê mới nhất hiện nay đối với cây cà phê mới trồng, cà phê năm thứ 2 và cà phê kinh doanh. Bởi vì với cách bón ngày xưa thì đã quá lạc hậu so với sự phát triển hiện nay. Trước đây cà phê phải tới năm thứ 4 mới chính thức gọi là cà phê kinh doanh nhưng hiện nay chỉ cần tới năm thứ 3 là đã được thu kinh doanh.

Bón phân thúc cho cà phê

  • Phân vô cơ:
Tuổi cây Lượng phân nguyên chất/ha/Năm Phân đơn/ha/Năm
(Đạm)N (Lân)P2O5 (Kali)K2O Urê Super Lân Kali(KCl)
Năm 1 180 100 100 400 600 165
Năm 2 250 160 250 550 1000 400
Năm 3 KD 500 330 600 1100 2000 1000

Trên đây là bảng sơ bộ về lượng phân hóa học cho cây cà phê theo năm tuổi.

Vì sao lại có lượng chia ra như trên bởi vì:
1kg Urê = 0,46kg N(Đạm)
1kg Super Lân = 0.20kg P2O5(Lân) có thể 0,16kg P2O5hh
1kg Kali(KCl) = 0,61kg K2O(Kali)

Tương đương với lượng NPK cà phê cần là:
Năm 1: 380Kg/Năm
Năm 2: 660Kg/Năm
Năm 3 : 1.430Kg/Năm
Trên đây là số liệu phân bón hóa học tương đối mà cây cà phê cần 1ha/năm. Tuy nhiên bón như thế nào thì cần phải tùy theo giai đoạn và tùy vào lượng quả.

  • Phân hữu cơ

Mỗi năm bón cho cà phê 1 lần phân hữu cơ sau khi thu hoạch (nếu là phân chuồng thì phải xử lý, ủ hoai để tránh bệnh tật). Liều lượng 5-10kg/cây kết hợp với phân lân và phân vô cơ bón lần cuối cùng trong năm (tháng 11-12). Cách bón: Đào rãnh sâu 20cm, rộng 20cm xung quanh mép tán, rải đều phân hữu cơ và các tàn dư thực vật xung quanh, sau đó lấp lại.

Thế bây giờ chúng ta tiếp tục đi sâu chi tiết vào từng giai đoạn nhé:

Bón phân cho Cà phê trong năm đầu trồng mới.

Trong giai đoạn này bà con cần chú ý bón thúc bằng ure và kali để cây sinh trưởng khỏe. Trộn lẫn phân lân với phân chuồng hoặc phân vi sinh để bón lót cho cây. Cà phê con không cần nhiều lân vì khi trồng chúng ta đã làm đất lót hố(còn vì sao không cần thì xem tại đây) nên bà con có thể sử dụng phân đơn để tăng khả năng sinh trưởng cho cây.

Cách bón: Đầu tiên cần đào một rãnh nhỏ cách gốc từ 15 đến 20 cm sau đó bón hỗn hợp phân đã trộn hoặc phân NPK vào rãnh sâu từ 3 đến 5 cm, lấp đất lại và tưới nước vừa đủ để phân tan vào đất(Ps: Nói thì nói thế thôi làm ít làm thế được chứ làm nhiều ai làm như hướng dẫn được chết luôn hehe chủ yếu căn thời tiết rồi bón đều quanh gốc nếu không mưa thì tiếc phân mới đi lấp thôi đúng không).

Đối với năm đầu tiên chúng ta nên chia làm nhiều lần để bón phân. Có thể bón 6 lần/năm vào tháng 1-2, 3-4 bón chủ yếu là đạm có thể kết hợp thêm Lân, tháng 5-6, 7-8, 9-10 bón Đạm và kali tuy nhiên lượng Kali phải ít hơn Đạm để tránh hiện tượng cây bị đứng và vàng lá, Tháng 11-12 Lần bón phân cuối cùng trong năm cần kết hợp với phân chuồng và phân lân để bón. Trước khi bón phân cần làm cỏ sạch, trộn các loại phân với nhau, rải đều xung quanh tán lá và lấp lại bằng lớp đất mặt để tránh bốc hơi hoặc phân bị rửa trôi khi gặp mưa.

Riêng năm trồng mới, sau khi trồng 1-2 tháng, bón 40 – 50g phân Urê và 40 – 50g phân kali cho một hố(khoảng tháng 5-6 trong năm) để cây pháp triển cứng cáp.

Chúng ta có thể bón thúc bằng NPK 30-9-9 + TE. Nhớ bón thêm Zn, Mg, Mn, Cu, Fe…. vì trong đất hiện nay luôn thiếu các nguyên tố Trung vi lượng cần thiết cho cây cà phê

Bón phân năm thứ 2.

Tùy vào khả năng sinh trưởng và địa hình của cây cà phê bà con nên tạo bồn để dễ dàng tưới nước và bón phân hợp lý. Đối với phân vô cơ cần rải phân vào hố theo đường tròn hoặc hai bên mép bồn.

Bón phân hữu cơ.

Bà con có thể tạo rãnh hai bên mép tán cà phê. Để bón phân hữu cơ tránh làm ảnh hưởng đến bộ rễ của cây(phân chuồng cần ủ hoai để tránh bị kiến, bệnh tật tấn công) giúp cây có thời gian chuyển hóa các chất dinh dưỡng, vi sinh vật có ích cải thiện độ phì sang cho đất. Kích thước của rãnh thường có độ sâu từ 30- 40 cm, chiều rộng khoảng 30 cm và có chiều dài từ 1- 1,5 m theo chiều rộng của tán.

Phân vô cơ

Cũng tương tự như năm thứ nhất tuy nhiên tới năm thứ 2 cây cần lượng phân lớn hơn đặc biệt là Đạm và Kali, tháng 5-6 cần bón lượng Đạm lớn để cây phát triển vì vậy trong những lần bón vào tháng 7-8, 9-10 cần bổ sung thêm Kali nhất là tháng 9-10.

Bón thêm Zn, Mg, Mn, Cu, Fe, Bo….=150kg/ha/năm hoặc dùng NPK 30-9-9 + TE để bón thúc cho cà phê.

Bón phân cho cà phê kinh doanh

Đối với Cà phê kinh doanh cần lượng Kali rất lớn. Vì hầu hết trời gian trong năm cây đều mang theo quả mà quả thì cần lượng Kali để tổng hợp.

Hiện nay Cà phê tốt nhất nên bón 5 đợt phân/Năm và cách bỏ như sau:

Vẫn kết hợp Phân hữu cơ 1 năm 1 lần như giai đoạn cây con tuy nhiên số lượng lớn hơn tương đương khoảng 15kg phân chuồng/cây. và nên bón vào đầu năm để hữu cơ có thời gian phân hủy giúp cây có thời gian chuyển hóa các chất dinh dưỡng.

Phân vô cơ

Sau thu hoạch: Nên bón Vôi hoặc Lân vôi(Lân canxi) để cải tạo đất cân bằng độ pH sau 1 năm bón phân hóa học nếu như chúng ta ít áp dụng giải pháp hữu cơ.

Mùa khô: Bà con bón phân URE + SA trong khi tưới(tháng 1-4) để cây phục hồi có sức chịu đụng tới tháng 4. Vì sao bà con nên bón thêm SA bởi vì trong SA có 24% Lưu Huỳnh giúp cây phân hóa mầm hoa  và quá trình ra hoa đậu quả tốt hơn. Hoặc bà con bón NPK thông số 20-5-6+TE, 22-5-5+TE… khoảng 200-300kg/ha.

Đầu mùa mưa: Bà con nên bón các loại phân NPK thông sô 16-16-8+TE, 20-10-10+TE, 30-9-9+TE… 300-500kh/ha(hoặc bỏ phân đơn đúng như công thức tại đây). Giai đoạn này từ tháng 4-6. Bà con nên bón phân cách nhau từ 1-1,5 tháng/Lần.

Giữa mùa mưa: Bà con nên bón phân NPK 20-20-15+TE, 15-15-15+TE, 16-16-16+TE… và cũng bón 300-500kg/ha. Nên bón 2 lần các thông số này.

Cuối mùa mưa: Bà con nên bón các loại NPK có thông số Kali cao bởi vì đây là giai đoạn vào nhân của hạt Cà phê. Nó quyết định chất lượng hạt cà phê để tránh khi làm cà phê bị rụng, xay ra nhân bị hao. Các thông số NPK nên dùng là 17-7-17+TE, 18-8-18+TE, 17-7-21+TE…

Bà con nên tuân thủ theo quy trình để đạt năng suất cao nhất vào đỡ hao hụt nhất.

Để nâng cao hiệu quả bón phân.

  • Bà con nên tận dụng các chất hữu cơ có trong vườn để vùi lại cho đất nhằm tăng thêm chất hữu cơ cho đất như phát cỏ, phun thuốc phân hủy cành lá sau thu hoạch.
  • Trồng thêm các loại cây trồng chắn gió, cây che bóng lâu dài để tạo tiểu khí hậu tốt nhất. Trồng xen các cây họ đậu để cải thiện đất.
  • Trước khi bón phân cần chú ý tạo hình, tỉa cành vô hiệu, cắt bỏ những chồi vượt để chỉ để lại những cành hữu hiệu tăng hiệu quả sử dụng phân bón.
  • Chú ý lấp đất sau khi bón để tránh phân bị bốc hơi(nếu trời không mưa).
  • Đối với phân bón lá cần phun đúng nồng độ và chú ý phun kỹ mặt dưới lá, cần phun khi vườn cây ở trạng thái đủ ẩm, không phun khi trời nắng gắt sẽ làm phân bốc hơi hết.

Chúc bà con nhà nông gặp mùa bội thu!

Gocnongnghiep.com

BÌNH LUẬN

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.